Loãng xương thứ phát (bệnh này chiếm khoảng 20%) là loãng xương do bệnh khác gây ra hay do dùng các thuốc điều trị bệnh khác nhưng gây tác dụng phụ khiến người bệnh bị loãng xương.

Bệnh loãng xương thứ phát có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát do bệnh lý thì các bệnh có thể gây ảnh hưởng đến mật độ xương và gây loãng xương như: cường giáp, sau phẫu thuật cắt bỏ tuyết giáp, cắt tử cung buồng trứng sớm, cắt dạ dày ruột, suy sinh dục, viêm loét dạ dày ruột, đái tháo đường, liệt nửa người, các bệnh khớp mạn tính, dinh dưỡng kém…

Đặc biệt, loãng xương thứ phát hay gặp ở người phải điều trị kéo dài bằng glucocorticoid, heparin, thuốc chống co giật… bởi các thuốc này khiến khối lượng xương giảm dần.

Loãng xương nếu không được điều trị sớm và kịp thời có thể để lại hậu quả và biến chứng nặng nề cho người bệnh. Người bệnh bị đau nhức xương, đau tại các đầu xương hay dọc theo các xương dài, đau cột sống lưng, co cứng cơ dọc cột sống, giật cơ khi đổi tư thế… Đau tăng nặng khi về đêm.

Người bị loãng xương thứ phát có thể bị rối loạn tư thế cột sống, chuột rút. Hậu quả và biến chứng của bệnh loãng xương còn là làm các đốt sống bị lún, xẹp khiến người bệnh bị cong vẹo cột sống, gù lưng, giảm chiều cao.

Loãng xương thứ phát là gì ?
Loãng xương thứ phát là gì ?


Gãy xương là hậu quả nặng nề có thể xảy ra đối với người bệnh loãng xương. Người bị loãng xương có thể gãy xương dù chỉ va chạm nhẹ, thậm chí chỉ vì một cơn hắt hơi. Gãy xương thường xảy ra tại các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay… Bởi là các vị trí quan trọng, nguy hiểm nên người bệnh khó phục hồi.

Vì vậy người bệnh cần phòng ngừa bệnh loãng xương trước khi bệnh có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Cần gia tăng khối lượng xương bằng chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động ngay từ khi còn nhỏ. Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ canxi, vitamin D, magie, phốt pho… và các khoáng chất khác. Giảm béo nếu bạn bị béo phì, thừa cân. Nên tránh các yếu tố nguy cơ loãng xương có thể can thiệt được.

Người mắc các bệnh lý ở trên cần điều trị tốt và điều trị kịp thời trước khi gây ra tình trạng loãng xương. Cần ngưng hút thuốc lá bởi đây cũng là nguyên nhân gây loãng xương. Trong cuộc sống hàng ngày nên tránh té, ngã, chấn thương… có thể làm tổn thương xương.